Saturday, 20/04/2024 - 11:46|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Đồng Tiến

Giới thiệu sách tháng 12

Thời chống Mỹ từng có một bác sĩ - một con người mang tên Đặng Thùy Trâm. Một con người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho mùa xuân của dân tộc, một con người tận tụy yêu thương, kiên cường bất khuất.

Tên bài: Nhật ký Đặng Thùy Trâm

Tác giả: Đặng Kim Trâm (chỉnh lý); Vương Trí Nhàn (giới thiệu)

Ngày thực hiện: 11 tháng 12 năm 2017

Thành phần: CBGV, NV và 582 học sinh

Địa điểm: Tại sân trường trường THCS Đồng Tiến

 

NỘI DUNG

  Thưa các bạn đọc giả thân mến!

Chiến tranh đã lùi xa, những mất mát đau thương của một thời bom đạn đang chìm dần vào dĩ vãng. Hòa bình từng là khát vọng mãnh liệt của bao thế hệ người dân Việt Nam. Chiến tranh qua đi, nhưng hình ảnh về những người anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, họ đã mãi nằm xuống và hằn sâu trong từng tấc đất, in sâu vào hồn thiêng dân tộc, họ đã hi sinh nhưng vẫn còn sống mãi với những tượng đài bất tử.

Thời chống Mỹ từng có một bác sĩ - một con người mang tên Đặng Thùy Trâm. Một con người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho mùa xuân của dân tộc, một con người tận tụy yêu thương, kiên cường bất khuất. Cuộc sống của chị, suy nghĩ của chị, rồi những niềm vui, những mất mát của chị, ... Tất cả những gì về người bác sĩ - Người anh hùng ấy đều được ghi lại trong cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. 

Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, tôi xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, được hai tác giả Đặng Kim Trâm và Vương Trí Nhàn chỉnh lý và giới thiệu, do Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản năm 2009, gồm 327 trang, in trên khổ 13x21cm.

Tác giả của những dòng nhật ký mà bạn đọc sẽ đọc, thuộc về một lớp người khá đặc biệt trong đời sống tinh thần xã hội từ sau năm 1945. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942, trong một gia đình trí thức. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B, sau ba tháng hành quân từ miền Bắc chị đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các bệnh binh. Đến năm 1970, khi đang trên đường tìm vị trí để di chuyển bệnh xá khỏi vòng vây địch, chị chạm trán với một đơn vị lính Mỹ phục kích và đã hi sinh anh dũng tại  xóm Đồng Lớn thôn Nước Đang - Ba Tơ.

Cuốn nhật ký không đơn thuần là những suy cảm riêng tư của một bác sĩ trẻ tận tụy yêu nghề, mà nó là bằng chứng cho cả một thời đại hào hùng bất diệt. Bản thân cuốn nhật ký này cũng có một số phận kỳ lạ khi rơi vào tay những con người đầy nhân văn ở bên kia chiến tuyến, được họ gìn giữ và tìm mọi cách để trao lại cho gia đình. Cuốn nhật ký không bị đốt đi mà được lưu giữ lại bởi lẽ ở trong đó có lửa.

Phải, trong cuốn nhật ký có lửa. Ngọn lửa ấy nhen lên rồi dần dần bùng cháy khi từng trang nhật ký được mở ra. Đọc cuốn nhật ký ta như quay ngược thời gian trở về với những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt và hiện lên trong tâm trí ta là hình ảnh một là nữ bác sĩ còn rất trẻ với đôi mắt sáng ngời và nụ cười luôn thường trực trên môi.

Ngay từ những trang nhật ký đầu tiên, chúng ta đã bắt gặp dòng chữ nắn nót “Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”. Phải chăng đó là phương châm sống để chị vượt qua những tháng ngày gian khổ? Có dễ dàng gì đâu khi công việc tại bệnh xá luôn căng thẳng đón từng đợt thương binh từ chiến trường cam go. Khó khăn biết mấy khi phải chỉ huy cả bệnh xá chống chọi lại với những trận càn khủng khiếp của kẻ thù. Và đau đớn thay khi những người thân yêu xung quanh đến và đi quá nhanh. Nhưng với ý chí nghị lực phi thường chị đã luôn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, luôn cố gắng vực dậy khỏi vũng lầy bi quan. “Có hoa thơm nắng đẹp thì cũng có đám mây đen vẩn đục bầu trời”, “Cố lên Thùy ơi ”! Chị đã tự động viên mình như thế.

 Những dòng nhật ký ngắn gọn mà tha thiết, chứa đựng toàn bộ ý chí bất khuất, kiên cường của một người con gái căng tràn nhiệt huyết tuổi hai mươi, lý tưởng sống của chị đập chung nhịp với lý tưởng của một lớp thế hệ trẻ đương thời, tất cả vì nền độc lập tự do của dân tộc. Khát vọng của chị cũng là khát vọng của hàng triệu con người Việt Nam. Mong một ngày đất nước thôi quằn quại dưới bom đạn quân thù, ngày hòa bình lập lại trên quê hương. Bởi vậy chị luôn tận tụy với công việc, chăm lo bệnh nhân từng ly từng tý.

        Nhưng nếu chỉ có thế, ngọn lửa trong nhật ký Đặng Thùy Trâm đã không thể cháy mãi. Ngoài những trăn trở trong cuộc sống của một chiến sĩ cách mạng thể hiện lý tưởng và khát vọng sống cao đẹp, những ghi chép của chị còn trải rộng ra tình cảm bao la trong trắng kỳ lạ. Tình người - Phải chăng trong bom đạn ác liệt, khoảng cách giữa sự sống và cái chết mong manh làm cho con người ta gần nhau hơn, dễ hiểu nhau hơn và hi sinh vì nhau nhiều hơn. Dù sống giữa ranh giới của sự sống và cái chết, chứng kiến cảnh những người mình yêu quý, những người đồng chí, đồng đội ngã xuống nhưng chị vẫn luôn giữ cho mình niềm lạc quan cùng niềm tin bao la, ngồi dưới bom đạn chiến tranh, chị ước mơ về một ngày hòa bình, lại nhớ về những năm tháng bình yên bên cha mẹ. Trong chị luôn nuôi nấng “Niềm lạc quan, tin tưởng vào nhựa sống, niềm hy vọng mát xanh trong tâm hồn”.

  Đọc xuôi về cuốn nhật ký, biết về những gì đằng sau nhật ký, tôi thực không khỏi xúc động. Chị đã chỉ huy trạm xá chống lại kẻ địch đến gan lỳ, kiên cường bất khuất cho đến khi ngã xuống như một người anh hùng. Chị hi sinh, cuốn nhật ký kết thúc nhưng lòng ta vẫn còn đọng lại nỗi xao xuyến, xót xa, trăn trở khuôn nguôi. Hình ảnh người con gái Hà Nội, nữ bác sĩ anh hùng ấy vẫn vương lại trong tâm trí ta đẹp như loài hoa bất tử.

Thưa các bạn độc giả!

Ngay sau khi biết rằng đây là một cuốn nhật ký viết trong chiến tranh, có thể có bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ tuổi sẽ hỏi: “Lại cho chúng tôi một tấm gương để bảo chúng tôi học theo chứ gì”?

Không đâu bạn ạ! Ở đây bạn sẽ không tìm thấy những lời khuyên nhủ, mà chỉ bắt gặp một con người với một cuộc sống cụ thể trong thời chiến. So với lớp thanh niên ngày nay, người thanh niên của hơn 40 năm về trước có một cách sống khác, một cách sống không lắm chiều cạnh, không tự do nhiều vẻ, nhưng lại trong sáng thánh thiện đến kỳ lạ. Sự tận tụy làm người của Thùy Trâm là điều khiến cho ngay cả những người lính Mỹ khác hẳn về lý tưởng cũng phải kính trọng. Còn với chúng ta, tôi tin rằng nó cũng có những hiệu ứng tương tự.Vì trong sự sống muôn màu muôn vẻ của thực tại, con người vẫn là mẫu số chung làm nên những giá trị vĩnh cửu. Và Nhật ký Đặng Thùy Trâm có cái nhân tố nhân văn đầy bí ẩn đó.

  Nếu cuốn sách có thể giúp mỗi người sau khi đọc xong quay trở lại tìm ra những điều cao đẹp và cả những cay đắng bi thảm có trong kiếp người của chính mình, điều đó có nghĩa là sự hi sinh của một con người ở tuổi 27 có thêm một ý nghĩa chân chính.

Các bạn hãy tìm đọc và cảm nhận cuốn sách này theo cách riêng của mình nhé. Gấp lại cuốn sách, tôi có cảm giác là lạ. Và tôi hi vọng rằng, ngọn lửa trong cuốn nhật ký sẽ truyền trong tim tôi và truyền cho bao độc giả khác nữa, để bùng cháy thành ngọn lửa bất diệt tới tận mai sau.

Tác giả: TV
Lượt xem: 379
Nguồn:thcsdongtien.thainguyen.edu.vn Copy link
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 19
Hôm qua : 15
Tháng 04 : 320
Năm 2024 : 2.924